Uncategorized

Phải sống thật, nói thật người ta mới tin yêu

b

Ai chẳng muốn chọn cho mình một nghề nhàn hạ? Trong khi người ta đổ xô theo kế toán, ngân hàng, bác sĩ…, tôi lại chọn nghề báo – 1 trong 10 nghề nguy hiểm. Nhưng tôi chẳng sợ, chỉ cần được sống với “tình yêu” ậy mà dạo này tôi lại thấy buồn, thấy chạnh lòng khi nghe người ta nói nhà báo là người “giật tít”, “chém gió”… Ừ thì “giật tít”, “chém gió”… Nhưng thật ra đâu phải vậy.

Năm lớp chín, tôi được chọn đi thi học sinh giỏi Văn. Ngày đó, thầy Tây (vừa dạy văn vừa làm báo) là người ôn thi cho chúng tôi. Hôm đó, thầy ra bài tập viết về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta. Tôi được điểm chín từ thầy. Thầy bảo, thầy sẽ gửi bài tôi viết cho tòa soạn nơi thầy đang cộng tác. Thật sự thì khi đó tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều
Nhưng bất ngờ, một tuần sau, thầy đưa tôi một phong bì bảo đây là tiền nhuận bút của tôi. Cầm 200 nghìn đồng trên tay mà tôi run lên trong sung sướng. Đó là số tiền đầu tiên trong đời mà tôi tự kiếm được. Thầy nói, bài viết của tôi sắc và có sức thuyết phục cao. Thầy bảo tôi nên nghĩ về ngành báo chí, giọng văn của tôi hợp để làm báo. Với kinh nghiệm của thầy, thầy nghĩ tôi sẽ viết báo giỏi. Tôi nghe cũng thú vị nhưng rồi ậm ừ cho qua. Chứ thú thật, ngày ấy tôi có biết báo chí là gì đâu.
Giữa năm học 12, tôi gặp thầy trong lần về trường rút bằng tốt nghiệp. Tôi than thở với thầy sắp thi mà tôi chưa biết chọn ngành gì. Thầy bảo “văn chữ của em hợp với làm báo, nếu em thích đi đây, đi đó nữa thì báo chí là một lựa chọn thích hợp cho em”.
Năm đó, tôi làm hồ sơ thi đại học. Và tôi đã chọn ngành báo chí. Bố mẹ cũng khuyên tôi rất nhiều, sao con gái lại chọn báo chí – một ngành vất vả, đi nhiều lại còn nguy hiểm, khó khăn. Nhưng tôi chẳng nghĩ ra là sẽ học ngành gì ngoài báo chí. Đơn giản vì tôi yêu cái nghề viết lách và yêu những chuyến đi.
Ngày thi, tôi gác lại cái nắng gió cháy da khét tóc, cái vị nước phèn chan chát ở vùng quê miền Trung nghèo khó lên thành phố ứng thí. Hành trang tôi mang theo là vài ba bộ quần áo cũ mà mẹ giúp tôi gói ghém mấy đêm trước. Là đồng tiền mặn vị mồ hôi bố mẹ giành dụm cho tôi bấy lâu. Là gói xôi đậu đỏ mà ngoại cố tình dậy sớm nấu cho tôi. Là những lời dặn dò, động viên của bố mẹ. Tôi cất thật kĩ những hành trang quý giá ấy vào ba lô, vào trong tim với một ý chí ngút trời – tôi sẽ đậu đại học.
Ngày nhận giấy báo nhập học, tôi hét lên sung sướng, còn bố mẹ chỉ lặng lẽ mỉm cười, ánh mắt nhìn về một nơi nào xa xôi lắm…
Rồi ngày nhập học đến, tôi rời quê nhà để lên chốn Đà thành để thực hiện ước mơ của mình. Ngày đi, bố mẹ căn dặn đủ điều: “Lên thành phố con nhớ chăm chỉ học hành. Thành phố phức tạp lắm, con phải biết giữ mình”. Tôi thấy lo, nhưng rồi cái khao khát được đi, được viết thôi thúc tôi đến với thành phố xa hoa này.
Dạo này tôi hay nghe những nhận xét kiểu như: “Nhà báo là những chuyên gia “giật tít”, “chém gió”. Tôi thật sự buồn khi nghe những lời đó. Tại sao có nhiều người có cái nhìn phiến diện về báo chí như vậy? Tôi tự nói với mình rằng: Muốn người khác thay đổi, thì mình phải thay đổi trước.
Muốn xã hội có cái nhìn đúng và đẹp về báo chí thì tự những người làm báo phải biết lựa chọn những “bộ trang phục” đúng và đẹp cho “đứa con tinh thần” của mình. Muốn xã hội đừng gán cho mình “cái tội” “chém gió”, “giật tít”, “đài nói láo, báo nói thêm” thì chúng ta đừng tự mang trên mình “cái tội” đó.
Hãy tôn trọng sự thật ắt xã hội sẽ tôn trọng ngòi bút của chúng ta! Tự nhiên, tôi nhớ lời dặn của mẹ: “Phải sống thật, nói thật thì người ta mới tin, mới yêu nghe con”…
Hoàng Phương (NSTĐ)

 

Bình luận về bài viết này